Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh góp ý Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính liên quan đến quản lý, thu chi tiền công đức



 TLYT - Ngày 28/4/2021, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 4269/BTC-HCSN về việc lấy ý kiến tham gia đóng góp của các Bộ, ngành trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Nếu được thông qua, đây là văn bản pháp luật đầu tiên về vấn đề quản lý thu, chi tiền công đức. Song vấn đề này đang vấp phải nhiều tranh cãi và nhiều ý kiến trái chiều. Năm 2020, Bộ Tài chính cũng từng lấy ý kiến lần một về Dự thảo Thông tư này.

Sau khi nghiên cứu Dự thảo Thông tư, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh có một số ý kiến như sau:

1. Dự thảo này chỉ phù hợp áp dụng đối với việc quản lý các lễ hội và di tích bình thường. Qua đó đảm bảo sự công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích trong công tác tổ chức lễ hội, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Về kết cấu và bố cục của dự thảo Thông tư tương đối phù hợp với các nội dung tổ chức lễ hội và quản lý di tích được quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP. 

2. Dự thảo này không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo (như chùa của Phật giáo, nhà thờ của Công giáo…). Vì vậy đề nghị không đưa vào quản lý tiền công đức đối với các di tích là chùa, là nhà thờ đạo Công giáo đã được kiểm đếm danh mục di tích vì các lý do sau:

Thứ 1: Sau khi nghiên cứu Luật ngân sách và Nghị định 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính thì:  Nhà nước quy định ngân sách nhà nước bao gồm các nguồn thu từ thuế, phí và lệ phí do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của pháp luật. Với 27 chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính không quy định quản lý tiền công đức do các cá nhân quyên góp ủng hộ tự nguyện (Không có một văn bản hay một điều khoản nào quy định tiền công đức, tiền giọt dầu, dâng cúng cho các chùa là các di tích).

Thứ 2: Các chùa thờ Phật là các cơ sở Phật giáo nếu có giá trị được nhà nước xếp hạng di tích thì các hoạt động Phật giáo tại các chùa đó vẫn diễn ra bình thường (Theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo). Việc xếp hạng di tích không đồng nghĩa với việc quốc hữu hóa di tích, nhất là dự thảo Thông tư chỉ nhằm vào túi tiền của tín đồ Phật tử tin yêu vào Phật giáo vì “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc”. Nguồn lực phát triển kinh tế của Phật giáo đối với đất nước là về du lịch tâm linh đã được các cấp khẳng định.

Thứ 3: Bản chất của tiền công đức là lòng thành của Phật tử, thể hiện sự thành kính đối với tôn giáo mà họ tin theo, được đóng góp một cách tự nguyện, không chịu bất cứ một ép buộc nào. Ngày 12/03/2017, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân, Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) đã trả lời trên sóng VTV1: Tiền công đức do niềm tin, đức tin của tín đồ dành cho tổ chức tôn giáo.

Thứ 4: Điều 56, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên, tổ chức, quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy tiền công đức tại các chùa Phật giáo là tài sản của Giáo hội (Giáo hội đã ủy quyền cho nhà sư trụ trì, trông coi và toàn quyền sử dụng tài sản công đức tại các chùa theo đúng quy định của tổ chức Giáo hội...).

Trong dự thảo Thông tư: “Hòm công đức được niêm phong và sử dụng tối thiểu 2 loại khóa, chìa của mỗi khóa được giao cho cơ sở quản lý di tích và Trưởng ban di tích quản lý độc lập”. Điều này không phù hợp với Khoản 5, Điều 7, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: “Nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho”. Theo đó, tài sản dâng cúng, công đức đều do tôn giáo được toàn quyền như tiếp nhận tài sản, hưởng dụng tài sản và định đoạt tài sản quy định trong Bộ Luật Dân Sự năm 2015.

 Hiện nay Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định việc các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được tổ chức quyên góp, nhận tài trợ phục vụ cho các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong đó có việc tổ chức lễ hội và bảo quản, tu bổ, phục hồi cơ sở thờ tự (gồm cả di tích). Trong khi đó, tại Khoản 4, Điều 2: “Tiền công đức…; được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị..., quản lý và sử dụng di tích…” Nếu Thông tư ban hành thì Ban quản lý di tích (là cơ quan quản lý Nhà nước về di tích) sẽ sử dụng tiền công đức của Tam bảo, do Phật tử công đức, cúng dường… sẽ không hợp hiến, hợp pháp.

Dự thảo lần 2 này, sử dụng khái niệm “quyên góp, đóng góp, tài trợ” như Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định, nhưng trên cơ sở: Trước khi tổ chức quyên góp 05 ngày làm việc đối với cấp xã, 10 ngày làm việc đối với cấp huyện và 15 ngày đối với cấp tỉnh, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc không thông báo, thì không thể coi đó là quyên góp để thực hiện theo Điều 19 được, vì như dẫn dắt ở trên, chỉ có nhà tu hành có đạo đức và các tín đồ vì đức tin đối với tôn giáo, đức tin đối với chức sắc, nhà tu hành mà họ theo họ mới công đức, do sự tu tập của chư Tăng Ni thì nhân dân, Phật tử mới công đức, cúng dường,… mà có tiền thì Ban quản lý sử dụng để chi vào những mục như dự thảo Khoản 3, Điều 4 nêu là  không đúng và không hợp lý.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Tài chính cần thiết lấy ý kiến của 16 tôn giáo và gần 40 tổ chức tôn giáo có mặt trên Việt Nam, đặc biệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ lấy ý kiến Phật tử nhân dân về việc hiến cúng, công đức vì đức tin đối với Đức Phật, xem họ phản ứng ra sao thì Bộ Tài chính mới ban hành (kính gửi kèm theo đề nghị góp ý kiến của chùa Ba Vàng, để quý Bộ Tài chính được rõ hơn).

 
Theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo: Quản lý, sử dụng khoản thu từ tổ chức lễ hội tín ngưỡng “Không quy định lễ hội tôn giáo”. Việc dự thảo nội dung này cần chú ý đến quy định về quản lý, sử dụng khoản thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng (Điều 15 Luật tín ngưỡng, tôn giáo). Vì vậy, dự thảo căn cứ Luật tín ngưỡng, tôn giáo chưa sát thực. 

Từ các lý do trên: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Tài chính hủy bỏ phần dự thảo quản lý đối với các di tích là cơ sở tôn giáo, nhất là tiền công đức tại cơ sở di tích tôn giáo, còn đối với các cơ sở di tích là tín ngưỡng thì Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh không có ý kiến gì.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng kính đề nghị Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tập hợp ý kiến về Bộ Tài chính để cân nhắc, xem xét sửa đổi Dự thảo Thông tư trước khi ban hành phải phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đúng các quy định hiện hành.


 
 
 
 

Tin cùng chuyên mục