Tháng 2 âm lịch là thời điểm hoa mai vàng nở rộ và thường kéo dài trong 1 tháng. Cành mai vươn ra đón nắng xuân, gió xuân, tô điểm thêm cho bức tranh xuân của đất trời chốn non thiêng Yên Tử.
Tương truyền, từ thế kỷ 13, sau khi Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và rời kinh kỳ về núi Yên Tử tu hành, Ngài đã cùng các đệ tử trồng những cây mai đầu tiên. Theo thời gian, Yên Tử đã có cả một rừng mai. Có những cây mai tới nay đã hơn 700 tuổi, được gọi với cái tên đầy trân trọng "Đại lão mai vàng Yên Tử".
Vẻ đẹp của mai vàng đã được Phật Hoàng Trần Nhân Tông trân trọng ngợi ca trong bài thơ Tảo mai kỳ 1: “Năm cánh hoa tròn nhuỵ điểm vàng/ San hô vảy bạc vẻ tân trang/Cuối đông san sán cành khoe trắng/Một thoáng Xuân về đã rụng quang/ Móc ngọt chảy thơm tan giấc bướm/Trăng đêm loáng nước khát chim rừng/ Hằng Nga như biết hoa mai đẹp/Đâu tiếc cung Thiềm lạnh quế hương”.
Mai vàng Yên Tử tập trung chủ yếu ở khu vực chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái. Sinh trưởng trên đất Phật, bên những vách đá cheo leo mà vẫn có tuổi thọ hàng trăm năm, loài hoa này là một biểu tượng cho sự thanh cao, tinh thần bền bỉ, vượt lên khó khăn. Hoa mai vàng rụng cánh khi đang độ rực rỡ nhất, là biểu trưng cho triết lý vô thường và tinh thần buông bỏ trong Đạo Phật.
Những cây mai vàng cổ thụ mọc trên núi Yên Tử có những nét đặc trưng riêng, hoa có 5 cánh, nở thành chùm, cánh hoa có màu vàng tươi và có mùi thơm nhẹ, được các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đánh giá đây là một nguồn gen quý của Việt Nam cần nhân giống và bảo tồn, đồng thời đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Từ một huyền thoại về loài hoa do Phật Hoàng đích thân trồng trên đỉnh núi thiêng, hoa mai vàng Yên Tử đã trở thành một sứ giả của du lịch văn hóa tâm linh miền Đông Bắc khi khoe sắc cùng những đóa Anh đào của đất nước mặt trời mọc trong mỗi dịp Lễ hội Hoa Anh đào – Mai vàng Yên Tử diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm.
Mùa mai vàng nở rực rỡ trên núi Yên Tử đã trở thành cảnh quan huy hoàng mà bất cứ ai cũng muốn ít nhất một lần được chiêm ngưỡng, thưởng lãm. Cả một vạt rừng rực sắc vàng hoa mai, một màu vàng “Hoàng bào”. Nhìn xa lại như tấm áo cà sa phủ lên non thiêng, một vẻ đẹp thiên nhiên và tâm linh hòa quyện. Bởi rừng mai vàng Yên Tử đã trở thành biểu tượng của tinh thần nhập thế trong Thiền phái Trúc Lâm. Ở đó, con người có thể hòa hợp, nương tựa vào thiên nhiên để tìm được sự an nhiên trong tâm hồn.
Tình Lê / VietNamNet